Giảng viên Hương Lý

20

bài viết

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BÉ TỪ O-1 THÁNG TUỔI Giai đoạn này, bé yêu vừa mới được sinh ra, thích nghi với môi trường mới nên còn khá bỡ ngỡ. Khi ra khỏi bụng mẹ, làn da của con vẫn còn nhăn nheo, chân tay chưa duỗi thẳng và hơi cong. Bố mẹ không cần phải lo lắng gì đâu ạ, vì khi trong bụng mẹ, tư thế nằm của con là cuộn tròn cho phù hợp với khoang bụng của mẹ nên khi ra khỏi môi trường đó, cơ thể của con chưa thích ứng được với môi trường mới. Để hình dáng của con duỗi thẳng thì con cần có sự hỗ trợ của bố mẹ để thích nghi với môi trường mới. Sang đến hai tuần tuổi, con sẽ dần hình thành các phản xạ tự nhiên, cơ bắp của con sẽ trở nên cứng cáp hơn, con biết thực hiện một số hoạt động như: mút tay, nắm tay, chớp mắt, biết tìm kiếm và ngậm vú mẹ. Khi được ba tuần tuổi, chuyển động chân tay của con sẽ trở nên linh hoạt rất nhiều và đặc biệt con sẽ nhìn và theo dõi được mọi thứ trong tầm 20-35cm. Khi con được tròn một tháng tuổi, lúc này con có sự thay đổi rõ rệt. Con chăm chú khi nhìn mọi vật ở khoảng cách xa hơn, biết tập trung hai mắt vào một vật đặc biệt đối với những vật có màu sắc và hình dạng đặc biệt. Con bắt đầu biết nói chuyện và hóng chuyện theo ngôn ngữ riêng của con ( cười khúc khích, càu nhàu, ê a và chăm chú nhìn bố mẹ để bày tỏ cảm xúc). Đặc biệt, trẻ có thể ghi nhớ giọng nói của bố mẹ. Tuần cuối của tháng một, con trở nên cứng cáp hơn nhiều. Khi đặt con nằm sấp, con có thể nhấc đầu lên 45 độ và giữ trong khoảng một lúc. ( ?) Ở LỨA TUỔI NÀY CON CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC NHỮNG GÌ? 1. Con biết mở miệng, tìm vú mẹ, bú và nuốt 2. Con nắm chặt tay và bỏ nắm tay vào miệng 3. Khi không ngủ, con nhìn người đối diện là bố hoặc mẹ để nghe và phản ứng 4. Con duỗi thẳng được tay chân, một số bé nhanh hơn thì con còn có thể đạp chân 5. Con biết nghiêng người 6. Con có thể nắm lấy ngón tay 7. Giai đoạn này, con giao tiếp chủ yếu bằng tiếng khóc. Con sẽ ngủ khá nhiều, chỉ thứ tầm 2-3 tiếng để bú mẹ (?) THAY ĐỔI NÀO CỦA CON BỐ MẸ THẤY QUAN TRỌNG? Cơ mắt của con phát triển nên khả năng nhìn được kiểm soát tốt hơn tuy nhiên chưa hoàn chỉnh vì thế cử động mắt không đồng bộ. Một số con, nhìn giống như bị lác. Nụ cười của con có thể sẽ xuất hiện để đáo lại sự âu yếm, chuyện trò và thủ thỉ của bố mẹ hoặc người thân trong gia đình. (?) BỐ MẸ LÀM GÌ ĐỂ GIÚP CON PHÁT TRIỂN Ở GIAI ĐOẠN NÀY? 1. Tạo nhiều bộ mặt ngộ nghĩnh khi gần bé 2. Nói chuyện nhẹ nhàng với bé mọi lúc: khi cho con bú, khi thay bỉm... 3. Hát cho bé nghe: khi hát, hai tay vỗ nhẹ lưng bé đồng thời cất tiếng hát theo nhịp. Từ động tác bế ẵm, vỗ nhẹ vào lưng và giọng hát nhẹ nhàng mềm mại của mẹ sẽ giúp bé ngày càng có cảm giác thân thiết với mẹ, bước đầu hình thành mối liên hệ giữa mẹ và bé. 4. Cho bé xem những bức ảnh đen trắng trong tầm nhìn 20-30 cm 5. Treo những vật quay nho nhỏ hay đồ chơi màu sáng ở nôi của bé: mẹ có thể chon ra các đồ chơi có màu sắc đẹp mắt, có thể phát ra âm thanh để treo ở trong tầm tay với của bé. Nếu bé chỉ nhìn mà không động vào đồ chơi, mẹ có thể cầm tay bé cho chạm vào các món đồ chơi đó. Khi đồ chơi bị chạm vào phát ra âm thanh, mẹ cần tỏ ra phấn khởi, khen ngợi bé: "Ô, có tiếng kêu rồi! Con của mẹ giỏi quá!" Lặp lại như vậy vài lần, bé sẽ cảm thấy thích thú, muốn tự mình chạm vào những đồ chơi được treo xung quanh nôi của mình. 6. Gọi tên bé: mẹ vừa gọi tên bé vừa từ từ tiến lại gần bên cạnh nôi của bé. Khi đó mẹ hãy quan sát kỹ phản ứng của bé, xem mắt bé có dõi theo mẹ hay không? Nếu không, mẹ di chuyển lại gần cạnh bé, vừa lắc lư đầu sang hai bên, vừa nói chuyện với bé. 7. Dùng tay trêu đùa má của bé: Mẹ có thể dùng tay, xuôi theo chiều của các bộ phận như: bàn tay, vai, cổ, má... của bé nhẹ nhàng vuốt ve, trêu đùa . Khi thực hiện, tốt nhất là mẹ vừa di chuyển các ngón tay, vừa trêu đùa: "Mẹ bắt đầu rồi đây, mẹ sắp bò lên mặt của con yêu rồi nhé!" Khi bé biết được mẹ đang chơi với mình nhất định sẽ khoa chân múa tay vì thích thú.

9

14